Bài này được viết dựa trên quan điểm cá nhân của chị, các em có thể tham khảo để có thêm góc nhìn về việc đi thực tập. Cách đây vài hôm có một bé đã inbox hỏi chị có nên đi thực tập không, bé vừa học xong năm nhất. Nguyên văn câu trả lời của chị như sau:
“Chị bảo có gì đâu mà sớm, nếu em xin được chỗ làm và chỗ đó cũng nhận em vào làm thì tuyệt quá, cứ thử sức mình. Tất nhiên phải cân nhắc chuyện học hành để không làm ảnh hưởng.”
Thời sinh viên, tụi em sẽ không có gì ngoài thời gian, nhưng những gì tụi em làm trong khoảng thời gian đó, tưởng chừng vô hại sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến em về sau. Trong khuôn khổ bài này chị chỉ nói về chuyện đi thực tập từ sớm, những chuyện như làm thêm tham gia đội nhóm mình sẽ nói sau nhé.
Thực tế chị thấy rất nhiều bạn đi thực tập từ sớm và nếu chị có em gái/trai chị cũng bảo nó mau mau tìm chỗ thực tập đi.
Trong ngành chị đang làm là marketing, khi ra trường chị mới giật mình vì đồng nghiệp mình có nhiều năm kinh nghiệm hơn mình dù bằng hoặc đôi khi ít tuổi hơn. Thực tế các bạn này đã đi thực tập từ năm 2, năm 3, có bạn có người quen thì thậm chí năm nhất đại học đã đi thực tập rồi. Vậy những bạn với kinh nghiệm này khi làm chung có gì khác chị? Khác rất nhiều. Điểm khác trước nhất là sau 4 năm ra trường, cùng tuổi nhưng các bạn đã có được 1-2 năm kinh nghiệm trong CV. Và nói về kinh nghiệm này là kinh nghiệm thật chứ không phải để cho đẹp CV. Các bạn thông thạo việc, hiểu sâu vào ngành và cứng việc hơn mình nhiều. Các bạn cũng phát triển những kỹ năng khác như cách làm việc nhóm, dẫn dắt một buổi họp, brainstorm (thảo luận ý tưởng) hiệu quả hơn, cứng và khéo khi làm việc với khách hàng hơn chị rất nhiều. Và chị sẽ nói thật cảm giác lúc đó của chị là trời ơi, mình đã làm gì trong 4 năm đại học thế này?
Phải nó rõ một tí vì lúc đại học chị học cũng không tệ nhưng không xuất sắc, nói chung thuộc dạng đại trà các bạn không hư nhưng không ưu tú. Ra trường thì CV chẳng có gì ngoài rất nhiều hoạt động ngoại khóa CLB này nọ nhưng nó chẳng liên quan gì đến công việc hiện tại cả. Để các em dễ hình dung chị sẽ liệt kê sơ sơ những kinh nghiệm trong CV chị như sau: Tham gia CLB Chứng Khoán, TNV cho Sở Văn hóa TT&DL, Ban tổ chức chương trình tiếng Anh của trường… và vị trí chị xin vào Agency là Content Writer hoặc Account (bạn làm việc trực tiếp với khách hàng trong Agency). Nếu đem so sánh nó với CV của một bạn đồng lứa đi thực tập sớm thì chỉ 1 dòng Intern tại ABC Agency là cũng ăn đứt cái CV của chị.
Vậy tại sao lại dẫn đến chuyện này? Với trường hợp của chị là bị lạc lối hoàn toàn. Các em có thể đọc lại bài Nếu tôi biết được khi còn sinh viên để nắm rõ hơn. Chị học chuyên ngành Tài chính nhưng lại không thấy mình hợp ngành đó, lúc học cũng không chuyên tâm. Nhưng lúc đó cũng không biết muốn làm gì. Lờ mờ thấy mình thích những hoạt động ngoài trời tổ chức hát hò nhảy nhót này nọ rồi làm cho vui tức suy nghĩ ngắn hạn, tầm nhìn không vượt qua được cái cổng trường nên ra trường thì chới với. Lúc vào Marketing cũng không có được kiến thức nền về ngành nên bắt đầu trễ hơn các bạn, lúc đi làm vẫn cứ hoang mang. Vậy nên nếu em nào đang là sinh viên năm 1 năm 2 thì đọc lại bài đầu của chị để tham khảo rồi chọn hướng đi cho mình. Nếu ai năm 3 năm 4 chuẩn bị đi thực tập thì cũng nên xác định rõ mình đi thực tập ở đâu, như thế nào?
Tóm lại ở phần này, chị muốn kết luận là đi thực tập rất tốt, giúp các em có kinh nghiệm thực tế và có cơ hội tìm được việc làm tốt, đúng với năng lực và kinh nghiệm đã có của mình. Thực tập năm mấy cũng không quan trọng, quan trọng là: Cân nhắc việc học và thời gian đi thực tập, Biết em muốn gì? Và xác định mục tiêu mình muốn đạt được trong đợt thực tập này là ổn. Một điều mà chắc chị phải nhắc đi nhắc lại trong mọi bài viết cho các em, là hãy đi làm việc, thực tập thật nghiêm túc, đừng chỉ coi đó là công việc sao cũng được (Nice to have), nếu không các em sẽ lãng phí thời gian và cơ hội của mình.
Quay lại tiếp chuyện đi thực tập, em rất muốn đi thực tập nhưng em không biết mình muốn gì hoặc em thấy mình thích đủ thứ giờ biết đi thực tập ở bên nào đây?
Bé ban đầu inbox chị học năm nhất và cũng nói với chị y chan vậy, em không biết mình muốn gì. Mình cười chuyện bình thường thôi. Các em còn nhớ chị có nhắc trong bài trước là không biết mình muốn làm gì thì làm gì chẳng được. Nhưng chị nói vậy thì có phải quá chung chung rồi chăng, sao giúp em được thì đúng rồi, sẽ không ai giúp được em quyết định em thích gì ngoài em và em hãy quen với điều đó đi nhé, không chỉ việc thực tập mà tất cả những việc sau này nữa. EM PHẢI TỰ RA QUYẾT ĐỊNH CHO NHỮNG CHUYỆN TƯƠNG LAI VÀ CHỊU TOÀN BỘ TRÁCH NHIỆM CHO NÓ. Đứng áp lực quá nhen, lúc đầu thì đáng sợ, nhưng lâu dần nó cho em một sức mạnh nội lực để em tự do và làm chủ cuộc đời mình hoàn toàn, cảm giác nó cũng rất Yomost đấy. Và chúc mừng em, nếu em làm được điều đó tức em đã rất trưởng thành rồi đấy.
Rồi chị quay lại chuyện bây giờ biết thực tập ở đâu. Sau đây là một số bước chị có thể hướng dẫn em, nếu không biết làm sao em có thể thử nhé.
+ Trước tiên hết, em hãy lấy giấy bút ngôi vào bàn nghiêm túc. Ghi ra 3-5 công việc mà em cảm thấy mình thích/ phù hợp/có năng khiếu. Công việc hoặc ngành cũng được nếu em chưa có khái niệm các công việc cụ thể. Ví dụ Marketing (trong Marketing có vô vàng vị trí công việc khác nhau hoàn toàn), tài chính, chứng khoán, thiết kế, kế toán, luật sư…
+ Sau đó gạch bớt đi chỉ để lại 1-2 dòng thôi. Tiếp theo trong mỗi dòng em hãy tìm hiểu xem mỗi dòng đó có những công việc gì. Đây là giai đoạn thể hiện kỹ năng research của em. Chị gợi ý có thể google tìm các trang chuyên ngành, lên Vietnamwork tìm theo ngành, xem có các vị trí nào, và đọc mô tả công việc (job description) để nắm được sơ lược các vị trí. Nhớ ở bước này đọc tới đâu là ghi lại tới đó. Việc viết giúp não làm việc tốt hơn đó mấy đứa.
+ Sau khi có được một danh sách kha khá các công việc rồi thì quay lại tiếp tục gạch bỏ, lựa chọn 1-2 việc mà em cảm thấy có hứng thú, hay muốn tìm hiểu.
Theo chị những bước này giúp em được hai điều: Thứ nhất, tìm hiểu và hình dung được ngoài thị trường đang thực sự cần những nghề gì, và nghề này nó làm cái gì. Thứ hai, trong quá trình tìm hiểu và gạch bỏ, các em sẽ phần nào nắm được yêu cầu từng vị trí và tại sao em lại giữ lại nó (vì em thích điểm gì, vì em có kinh nghiệm gì phù hợp…) không chỉ giúp em trong việc định hướng mà rất có thể giúp em rất nhiều trong vòng phỏng vấn.
+ Kế đến thì nộp đơn thôi. Trong thời điểm này các em có thể theo dõi các kênh tuyển dụng trên social hoặc website hoặc một kênh khác mà chị có đề cập trong bài Review các kênh tìm việc là kênh người quen. Nếu em biết, quen ai trong lĩnh vực/công ty mà em mong muốn hãy nói chuyện, chia sẻ với họ về mong muốn thực tập (lưu ý ở bước này các em đã chuẩn bị sẵn CV rồi nhen, để nói chuyện xong mình gửi CV luôn cho nóng)
Còn về vấn đề chuẩn bị CV, phỏng vấn, thực tập có nên đòi lương và nên đi thực tập như thế nào, chị sẽ chia sẻ trong bài tiếp theo nhé.
Chia sẻ với chị các em cảm thấy như thế nào với bài viết này nhé. Nếu em thực sự thấy những bài như thế này giúp ích được em ít nhiều, hãy comment các chủ đề mà các em muốn đọc ở bên dưới nhé.
Love!
Kể từ khi đọc bài “Nếu tôi biết được khi còn sinh viên”, mình đã mong chờ bài viết về thực tập của Clever girls. Thật sự mà nói, vấn đề của mình chưa bao giờ là việc học thuật trên ghế nhà trường nên mình không hứng thú lắm với bài viết trước đó. Ngược lại, việc đi thực tập hay làm việc chính là những điều mình mong muốn được biết thêm. Cảm ơn ad đã chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong vấn đề này. Mình thích nhất là phần chia sẻ về cách xác định những công việc yêu thích phù hợp với thị trường. Không chỉ những bạn đang còn là sinh viên mà ngay cả những bạn vừa tốt nghiệp cũng có thể học thêm được nhiều thứ từ bài viết.