Hôm nay mình sẽ chia sẻ về quỹ mở
Mọi người hay nghe đến quỹ mở, vậy quỹ mở là gì? Trong video này mình sẽ đi qua lần lượt các nội dung sau:
- Quỹ mở là gì
- Làm thể nào để đầu tư vào quỹ mở
- Ở Việt Nam có những quỹ mở nào
- Có nên đầu tư vào quỹ mở hay không?
1. Trước hết quỹ mở là gì?
Đây là hình thức đầu tư gián tiếp, nhóm nhà đầu tư cùng bỏ tiền vào một công ty quản lý quỹ và ủy thác cho công ty đó đầu tư. Công ty này sẽ gồm những người có kinh nghiệm, năng lực, kiến thức trong lĩnh vực đầu tư. Như vậy thay vì bạn tự mình đi mua chứng khoán, trái phiếu bạn mua một chứng chỉ quỹ do quỹ phát hành.
Những lợi thế của quỹ mở theo quan điểm cá nhân của mình
- Ủy thác tiền của mình cho những người có kinh nghiệm và kiến thức đầu tư. Bạn không có kiến thức, không biết chọn ngành, mã, chọn giá như thế nào, thì chi bằng gửi gắm nó cho người có học hành làm.
- Danh mục được tối ưu tốt nhất, tiết kiệm thời gian và công sức
- Các khoản đầu tư có báo cáo rất minh bạch
Có 3 loại quỹ mở: Quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu và quỹ cân bằng (đầu tư cả cổ phiếu và trái phiếu)
2. Vậy đầu tư quỹ mở là làm như thế nào?
Nó cũng tương tự như chứng khoán, các bạn mua một chứng chỉ quỹ ở một mức giá và nắm giữ chứng chỉ quỹ lên thì bạn có lời, xuống thì lỗ. Các chứng chỉ quỹ này cũng có báo cáo hoạt động để mọi người xem và đánh giá.
Để mua chứng chỉ quỹ bạn có thể liên lạc trực tiếp với quỹ và mỗi chứng chỉ quỹ có thời gian làm việc, nơi phân phối và cách thức khác nhau. Tuy nhiên các bước mua cũng không quá phức tạp, các bạn có thể liên lạc các quỹ và mở cho mình.
Ngoài ra theo mình được biết, ví dụ như bạn đầu tư Finhay bạn sẽ thấy là Finhay cũng mang tiền của bạn đi mua các chứng chỉ quỹ. Finhay do công ty Thiên Việt quản lý cho những ai chưa biết, họ có công ty quản lý quỹ Thiên Việt (TVAM) thì phần của bạn sẽ do công ty này quản lý.
Hoặc mình gần đây có nghe nói đến Fmarket là trang tổng hợp các quỹ mở và tích hợp lại một nơi cho bạn đầu tư thay vì phải làm việc với từng quỹ. Cái này mình mới xem qua thôi, chưa trải nghiệm và chưa tìm hiểu kỹ nên không bình luận hay review gì với mọi người nhé.
Trên đây là những cách các bạn có thể mua được chứng chỉ quỹ.
3. Ở Việt Nam có những quỹ mở nào?
Để giúp các bạn dễ theo dõi hơn, trước khi làm video này mình đã research và lên trang chính thống là Ủy ban chứng khoán nhà nước, tìm kiếm danh mục các quỹ mở đã đăng ký và chịu sự giám sát của Ủy Ban chứng khoán nhà nước.
Mình đã tổng hợp lại một file excel tại đây.
Trên đây là danh sách 17 quỹ mà mình lấy được, ngoài ra có một số quỹ lớn như quỹ Quỹ Đầu tư Chủ động (VNDAF) mình tìm thấy bên VNDirect hoặc quỹ Quỹ Đầu tư Trái phiếu Techcom (TCBF) là quỹ đầu tư trái phiếu lớn mà mình không thấy niêm yết trên website của ủy ban chứng khoán, nên mình cho luôn vào để mọi người tiện tham khảo. Ngoài ra một số quỹ mình thấy có cả quỹ trái phiếu, cổ phiếu nhưng chỉ được để một quỹ vào trong này. Ví dụ như Bảo Việt còn có cả quỹ trái phiếu, quỹ cổ phiếu triển vọng.
Trên file này mình đã liệt kê tên quỹ, link đến web chính để các bạn thích quỹ nào thì click vào link và xem kỹ các thông tin. Với các quỹ này, họ công bố rất rõ ràng danh mục đầu tư, kết quả kinh doanh… trên website nên mọi người có thể tìm hiểu toàn bộ thông tin ở link. Ở đây nhiều quỹ quá mình không đi chi tiết vào quỹ nào nên sẽ không nói.
Ngoài ra, mình có liệt kê rất rõ giá và các khoản phí của các quỹ mở này để mọi người có cái nhìn tổng quan và dễ so sánh hơn.
Như có nói ở Video Finhay, mình nghĩ khoản phí là một yếu tố quan trọng mà mọi người nên tham khảo và cân nhắc khi lựa chọn. Tương tự như đầu tư chứng khoán, mình cũng sẽ làm một video khác noi về những vấn đề chi phí cần quan tâm khi đầu tư chứng khoán. Đừng để mất tiền vào những khoản phí không đáng có bạn nhé.
Về phần giá, giá này được cập nhập vào ngày quay video là ngày 3/2/2021
4. Cuối cùng mình sẽ chia sẻ quan điểm của mình về việc có nên đầu tư vào quỹ mở hay không?
Quỹ mở phù hợp với những ai đang có tiền nhàn rồi, muốn đầu tư nhưng không có thời gian và không muốn theo sát thị trường.
Theo quan điểm của cá nhân mình vào thời điểm hiện tại, mình quyết định không đầu tư vào quỹ mở. Đầu tư vào quỹ mở về lâu dài và để những chuyên gia làm việc, bản thân mình hiện tại muốn tìm hiểu nhiều hơn về chứng khoán và trái phiếu, nên việc mình tự mua chứng khoán tự tham gia thị trường sẽ học được nhiều hơn.
Cái thứ hai là sau khi tham khảo thông tin các quỹ mở rất minh bạch, thì mình nghĩ thay vì ủy thác cho họ mua tại sao mình không tự mua dựa theo danh mục của họ. Thực sự thì khoản tiền của mình rất ít, không có phải hàng tỷ để mà phải đau đầu khó quản lý, nên mình nghĩ mình sẽ copy các danh mục của quỹ mở mà mình thích và mua theo tỷ trọng như quỹ mở.
Mình ví dụ nhé quỹ mở VFMVF1 của Dragon Capital hiện tại đầu tư 22,8% vào ngân hàng, 17,8% vào bất động sản, 14% vào vật liệu.
Danh sách các cổ phiếu nổi bật mà họ đầu tư là Vật liệu thì HPG, KSP ngân hàng thì VCB, TCB, BID, Bất động sản thì có NTC, SIP…
Mình có thể tham khảo các con này và chia tỷ trọng theo cho phù hợp. Như vậy mình có thể tự mình tạo “quỹ mở” của riêng mình mà không cần phải mua quỹ mở.
Ngoài ra, nếu có đầu tư quỹ mở trong tương lai, mình nghĩ sẽ dùng tiền thay vì gửi tiết kiệm mình sẽ mua chứng chỉ quỹ trái phiếu vì có tỷ suất sinh lợi cao hơn kênh ngân hàng và an toàn hơn kênh cổ phiếu.
Đây là quan điểm cá nhân tính đến thời điểm hiện tại. Tương lai có gì thay đổi sẽ update cho mọi người trong video sớm nhất.
Cảm ơn mọi người đã đọc bài.
Nếu các bạn đã và đang sử dụng quỹ mở, mình cũng rất muốn nghe các bạn chia sẻ về quỹ mở này để học hỏi lẫn nhau.
Comment ở bên dưới và mình sẽ trả lời từng comment.
Love <3