Vài chia sẻ về việc đi phỏng vấn

(Bài viết viết năm 2016, với những quan điểm về việc phỏng vấn nhưng đọc lại vẫn hoàn toàn đồng ý với các quan điểm bên dưới)

Mình viết những dòng chia sẻ này dựa trên tính cách, kinh nghiệm đi phỏng vấn ở lĩnh vực của bản thân. Đây không phải là bài khuyên dạy, chỉ mang tính chất cá nhân mà các bạn có thể tham khảo rồi chắc lọc kinh nghiệm cho riêng mình.

I. Bản chất của phỏng vấn

Hinh: Internet

Bạn đã từng nghĩ phỏng vấn là gì? Kỳ lạ là mình cứ lao đầu vào phỏng vấn mà chưa bao giờ bình tĩnh phân tích bản chất của phỏng vấn. Phỏng vấn thực chất là cuộc trao đổi buôn bán mà hàng là con người, bạn cần bán sức lao động và người phỏng vấn là người mua. Trong cuộc ngã giá, nếu thấy hàng đúng nhu cầu của khách, giá cả phải chăng thì thương lượng thành công, đôi bên hợp tác. Còn nếu như hàng bạn tốt mà chẳng lại chẳng phải cái mà khách cần, thì trách lỗi định mệnh, bạn ra về và đi tìm vị khách mới hợp với bạn. Thật ra nhà tuyển dụng cũng căng thẳng không kém bạn, vì họ cũng đang rất cần người, mà càng kéo dài thời gian thì càng tốn kém, khó khăn lắm mới gặp được người ưng ý. Mà chưa hết ở đó, phải ra sức dụ dỗ sao cho đứa đó chịu ở lại mà phải dụ dỗ thật khéo, không để nó biết chứ không nó chảnh, lại vòi lương cao. Khổ lắm chứ.  Nói như vậy để bạn hiểu vị trí của hai bên ngang hàng nhau, bạn chẳng việc gì phải tự hạ thấp mình. Hai bên tìm hiểu hợp nhau thì nên duyên, vậy thôi. Vậy nên khi bạn fail một cuộc phỏng vấn đơn giản có khi bạn không hợp với nhu cầu của công ty chứ chẳng phải do bạn bất tài vô dụng gì, đừng nên xoắn.

II. Bản chất của bạn

Phỏng vấn - clever girls
Hình: Internet

Khả năng của bạn là gì? Nghe kỳ quặc nhưng thực ra bạn cần phải hiểu rõ bản chất của bạn thì bạn mới bán thân tốt được. Level chuyên môn của bạn đang ở đâu? Bạn cần những gì, bạn giỏi ở điểm nào hoặc không cần giỏi chỉ cần làm nhỉnh hơn một chút ở lĩnh vực nào đó là được. Ví dụ, bây giờ mình biết mình đang làm content, có thể viết bài SEO, còn viết bài PR hay báo này nọ thì hên xui, không đặc sắc nhưng cũng tàm tạm. Mình có khả năng viết bài cho đối tượng trẻ hoặc viết bài chính luận, không viết những bài cảm xúc được. Thực ra bước này chỉ để cho bạn rõ ràng mình đang có gì để bán và điểm yếu của mình là gì để lỡ có bị họ bắt thót thì cũng tự tin thừa nhận rồi lái qua điểm mạnh của mình. Trong bước này, quan trọng nhất vẫn là bạn biết rõ mình muốn gì.

III. Hỏi rõ công việc

Cái này chẳng phải để gây ấn tượng gì mà chẳng qua giúp bạn hình dung cụ thể xem việc này có đúng là những gì mình mong muốn không? Cái này đặc biệt quan trọng, dạng như những gì bạn nói sẽ là bằng chứng trước tòa đấy. Mình hay hỏi rõ những vấn đề như: sếp trực tiếp của em là ai? Chính xác là em sẽ làm những việc nào (càng cụ thể càng tốt) Chị mong đợi những gì ở vị trí này? Thực ra vì mình muốn mọi thứ phải rõ ràng ngay từ lúc đầu, để xem nếu hợp thì làm việc cùng nhau, nếu không thì từ chối luôn cho đỡ tốn thời gian. Và sau này, lúc vào làm bạn cũng dựa vào đây để phản bác: lúc đầu em đã nói rõ em không biết cái này cái nọ rồi,…hay lúc đầu mình deal là em không chịu trách nhiệm cho cái này mà…

IV. Deal lương khi phỏng vấn

Phỏng vấn - clever girls
Hình: Internet

Deal lương là bước rất quan trọng. Cái này tùy thuộc vào độ tự tin của mọi người. Mình hay ước lượng mức lương trung bình ngoài thị trường hiện giờ tầm 5-7 triệu, rồi cộng thêm kinh nghiệm, cộng thêm độ tự tin của mình mà ra giá. Và tất nhiên mình thường xuyên ra giá cao hơn mức mình ước lượng. Hồi mới ra trường thật thà lắm, nghĩ mình tệ này nọ, sợ không dám ra giá cao, rồi tự dưng đi đòi mức lương thấp lè tè. Thực ra bạn giỏi hay dở lúc phỏng vấn họ đã phỏng đoán được sơ sơ, công ty cũng định sẵn mức lương cho vị trí đó rồi. Dù bạn có ra giá cao hay thấp lúc gửi offer letter cũng chỉ chừng đó thôi, vậy dại gì mà ra giá thấp. Nhưng nói vậy không có nghĩa là bạn nhào vào ra giá trên trời, như vậy sẽ không tốt, cứ dựa trên mức mà bản thân thấy hài lòng là được rồi. Phỏng vấn muôn hình vạn trạng, hên xui cũng nhiều nên rất khó nói. Nhiều lúc chỉ dựa vào cảm tính của người phỏng vấn mà họ cho đậu hay cho rớt. Đó là những thứ mình không kiểm soát được. Tuy nhiên, điều mình có thể làm là kiểm soát bản thân mình: Phải hiểu rõ bản thân mình, tin tưởng ở bản thân, không được coi thấp bản thân và nhất là không được trả giá rẻ mạt cho bản thân mình.

Hy vọng chia sẻ hữu ích cho mọi người

Leave a Reply