Nếu tôi biết được khi còn sinh viên - clever girls

Nếu tôi biết được khi còn sinh viên

Hôm bữa bé thực tập của mình có bảo mình chia sẻ chuyện thực tập, đi làm. Đang viết dở bài đi thực tập có nên hay không thì bỗng dưng muốn chia sẻ lại những điều mà mình hối tiếc đã không làm trong những năm đại học. Bài này dành cho các em sinh viên.

Chị muốn chia sẻ cho các em câu chuyện của chị và những bài học mà cá nhân chị ước gì có ai nói cho chị lúc chị học đại học.

Trước hết nói sơ về tình hình đại học của chị. Chị học kinh tế, có hai năm đầu đại cương trước khi phân ngành. Trong hai năm này chị ngây thơ ham mê bề mặt, dành thời gian này tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động tình nguyện này nọ với suy nghĩ vô cùng vô tư là năng nổ, hoạt động ngoại khóa nhiều, học tập các kỹ năng mềm (dù không rõ ràng kỹ năng mềm này là kỹ năng gì?). Kết thúc hai năm đầu đại cương bước vào chuyên ngành bằng việc lựa chọn chuyên ngành một cách ngây thơ không kém: chọn ngành học cao điểm nhất trường để nó thỏa mãn sự tự đắc (nông cạn) của bản thân. Tất nhiên với việc chọn ngành ất ơ thì việc học cũng không tới đâu vào đâu. Lưu ý điểm số của chị không hề thấp, nhưng vào diện xuất sắc hoặc có mục tiêu nghề nghiệp gì cho tương lai hay không thì không hề.

Vậy nếu được quay lại đại học chị sẽ thay đổi những gì?

Sinh viên là những người có quãng thời gian rất dư giả và thoải mái, nên các em hãy tận dụng thời gian này để làm những việc có giá trị thật sự. Đó là những việc gì?

Rèn luyện khả năng tự học

Việc học đại học nhìn lại theo chị nghĩ là thời gian luyện tập khả năng tự học tốt nhất. Tự nghiên cứu cách làm sao mình tự học không cần ai đốc thúc, nghiên cứu, mày mò tư duy bài vở như thế nào, chủ động tìm học, tìm hiểu ra sao, không biết phải hỏi ai, làm thế nào để tìm được câu trả lời. Hiểu như thế nào mới cặn kẽ đến gốc rễ, tránh hiểu phần bề mặt dễ quên. Chị nghĩ đây là một trong những điều đáng học mà giảng đường đại học cho em cơ hội để học hỏi mà không phải trả giá. Nếu biết được cách tự học phù hợp, hiệu quả với chính mình thì có thể nói là thành tựu rất lớn, vì nó sẽ giúp em trong suốt chặng đường sau này. Vì xin thưa khi ra trường, em lại phải học lại từ đầu, mỗi lần chuyển công ty em lại phải học từ đầu, mỗi lần được thăng chức em cũng lại phải học từ đầu. Và tất cả đều tự thân vận động, đừng hy vọng có thầy cô, mentor giúp đỡ, vì đó là chuyện may mắn, duyên số, nhưng nhỡ đâu em vô duyên quá thì cuối cùng vẫn phải tự mình lo cho mình.

Tự học với chị là kỹ năng quan trọng nhất, nếu không muốn nói là sống còn trong thế giới thay đổi quá nhanh và những nghề dần dần bị loại bỏ như hiện nay.

Hiểu rõ bản thân mình muốn gì và định hướng nghề nghiệp.

Kế tiếp đó chắc phải suy nghĩ xem mình sẽ làm gì sau khi ra trường, mình muốn làm gì sau khi ra trường. Không phải không dưng mà trường đại học cho hai năm đại cương. Bây giờ nghĩ lại chị thấy hai năm đại cương này quả thật là cơ hội tốt cho sinh viên. Thử nghĩ coi năm 18 tuổi, chị cũng như các em phải lựa chọn một lựa chọn quan trọng nhất trong cuộc đời là chọn nghề. Một đám loi nhoi cấp 3 không hề biết nghề nghiệp bên ngoài là làm gì làm như thế nào? Một số bạn có may mắn bố mẹ có nghề nghiệp định hình như ngân hàng, kỹ sư, giáo viên bác sĩ thì còn hình dung được, chứ như chị bố mẹ làm nông, chắc nghề nghiệp điển hình nhất mà ba mẹ chị có thể tư vấn cho chị là nghề nhà giáo hoặc xa hơn là làm ngân hàng như con của bác A bác B xa xôi nào đó. Thế nên sau khi đã lỡ chọn trường chọn ngành rồi, với các trường khối ngành kinh tế các em vẫn còn cơ hội để tìm hiểu và lựa chọn trong hai năm chuyên ngành này. Vì vậy hãy cố gắng nghĩ xem mình muốn làm gì? Mình giỏi làm gì? cái nghề đó nó như thế nào, có cách nào để mình trải nghiệm nó hay không? Điều mà chị thấy xảy ra thường xuyên là sự bất cân xứng thông tin giữa các em và thị trường. Các em không hề hiểu rõ ngành nghề mà mình đang chọn lựa sẽ làm gì trong tương lai. Mà một khi đã mù mờ thì lựa chọn khó khăn. Một trong những cách xóa mây mù là đi thực tập chị có viết ở trong bài ở đây, các em tham khảo qua.

Hãy học chăm chỉ khi còn ở giảng đường

Sau khi chọn chuyên ngành hãy học hành đường hoàng. Trong một tình huống lý tưởng là các em sau hai năm đã tường tận mình muốn làm gì thì hãy chuyên tâm học hành. Một điều chị nhận ra và kiểm nghiệm trong quá trình đi làm là “Có bột mới gột nên hồ”, không có kiến thức nền tảng thì khó phát triển vững vàng được. Ví dụ như chị ngồi đây đang làm công việc Marketing liên quan đến tài chính lại phải đụng lại bao nhiêu kiến thức nền về dòng tiền, đòn bẩy tài chính… Giờ mới thấy những kiến thức học trên giảng đường không hề xa xôi mà nó liên quan trực tiếp đến việc mình làm. Hoặc như đi làm Marketing, các anh chị lớn cũng luôn nhắc nhở về kiến thức 4P nên tảng và các quy tắc cơ bản của Marketing. Đây là ví dụ từ các nhân chị cho các em thấy đã tốn thời gian và tiền bạc trong hai năm thì hãy học cho nó đáng, có thể bây giờ em chưa nhận ra, nhưng trong tương lai nó sẽ giúp em rất nhiều.  Hoặc giả, hãy suy nghĩ tỉnh táo hơn, đây là một khoản đầu tư, muốn lấy lại những gì đã bỏ ra thì hãy học hết mình. Đừng làm cái gì nửa vời, không đâu tới đâu sẽ rất lãng phí và đẩy các em đến một tương lai lơ lửng bất định sắp tới. Rồi em sẽ thấy bài học này được lặp đi lặp lại rất nhiều trong cuộc sống. Làm một công việc nửa vời, muốn bỏ sang ngành khác nhưng không dám, chân trong chân ngoài tiến thoái lưỡng nan. Yêu một người nhưng cũng nhăm nhe mối khác, bỏ không đành mà ở lại thì không thỏa. Vậy nên chị nghĩ nếu em đã luyện cho mình một tư duy và cách hành động quyết liệt trong hai năm học chuyên ngành này, em sẽ học được rất nhiều điều, mà nhiều nhất có lẽ là cách đi đến tận cùng.

Thế nếu em đã lỡ chọn chuyên ngành này rồi mà phát hiện không thích thì biết làm sao? Đã không thích sao chị bắt em đi đến cùng được.  

Chị lại kể cho em nghe một câu chuyện có thật về người bạn chị quen. Bạn cũng từng đau khổ chia sẻ với chị là ước muốn đi dạy cháy bỏng, mong ước được mở trung tâm dạy học học thêm về điều hành trung tâm và vừa đứng lớp dạy. Bạn kể cho chị nghe về việc bạn hạnh phúc như thế nào khi được chia sẻ kiến thức với người khác. Nhưng hiện tại bạn lại học kinh tế, bạn không muốn suốt ngày đi làm văn phòng. Thế là chị đã bảo bạn vẽ hai đường tách biệt, một bên ghi những công việc cụ thể mà mình sẽ làm với nghề giáo viên, làm gì, làm như thế nào? Và một bên ghi rõ những công việc bạn phải làm nếu như phải học tiếp kinh tế và ra trường. Và kết quả là bạn không ghi được dòng nào bên cột kinh tế. Cuối cùng bạn thú nhận với chị là bạn không biết rõ nếu học kinh tế ra trường thì bạn làm gì. Ở đây chị muốn nói hai vấn đề. Thứ nhất, bạn chưa kịp biết mình phải làm gì mà đã vội chê bai công việc văn phòng chán nản. Sao lại quy chụp công việc văn phòng như thế. Lấy chị đây làm ví dụ (tại chị không dám nói thay ai hết) từ hồi ra trường đến giờ chị chưa từng phải làm công việc văn phòng nào chán hay gò bó hay lặp đi lặp lại cả, bản thân chị cũng chưa bao giờ nghĩ công việc văn phòng là đáng chán. Công việc khác thì chị không biết sao, chắc có lẽ có công việc this công việc that, nhưng chưa tìm hiểu tường tận mà đã quy chụp rồi bảo mình phải học cái ngành đáng chán thì không nên. Thứ hai, lại là vấn đề bất cân xứng thông tin. Trải nghiệm của chị là lúc các bạn trẻ, các bạn rất cảm tính, chị cũng vậy. Nghĩ là mình thích việc này, mình thích được làm cái này cái nọ, mình hợp với làm cái này cái nọ nhưng thực sự chưa đi sâu sát, tìm hiểu nghiêm túc về nghề đó. Đó là lý do chị nói ở trên là các em hãy dành thời gian hiểu thật cặn kẽ nghề mà mình làm nó làm gì? Ngoài thị trường họ đang cần những người làm gì? Tất nhiên trong giới hạn về tuổi và kiến thức của một bạn sinh viên, cái nhìn sẽ chưa được thấu đáo hết. Tuy nhiên nó vẫn tốt hơn là việc không hề biết gì ngoài một công việc hình thức, để rồi sau này lại đổ lỗi tại, bởi, vì.

Một trường hợp khác là em không biết mình thích gì? Đây cũng là chuyện thường tình ở huyện thôi em, có rất ít người có may mắn tìm được việc mình thích và cứ thế mà nhắm thẳng đường đích mà đi. Thế phải làm sao bây giờ? Càng lớn chị nghĩ càng đơn giản đi. Vấn đề ở đây là gì? Là em không biết đích ở đâu mà đi đúng không? Vậy thì tự tạo cho mình một cái đích. Nói kiểu quen thuộc là nếu không biết mình phải đi đâu thì đi đâu chả được, nhưng nó thực sự đúng, hoặc chí ít nó là giải pháp khả thi nhất bây giờ. Em hãy đặt cho mình những cái đích nhân tạo, trong một khoảng thời gian đừng quá dài, đủ để em cố gắng hết sức và không lăn tăn trong một thời gian, vừa khả khi để em đạt được thành tựu nào đó. Với trải nghiệm của chị, vị thế con người em khi đạt được một thành tựu nào đó sẽ luôn ở trong tâm thế cao, lúc đó em cũng có tinh thần, tự tin hơn để làm việc và học tập. Ví dụ như thi đạt Ielts 8.0 trong thời gian 3 tháng, kiếm được 20 triệu trong vòng 3 -5 tháng, được thực tập trong một Global Agency hay đơn giản hơn, lập 1 blog và viết đủ 100 bài trong vòng 2 tháng nếu em có sở thích viết lách… Tất nhiên những mục đích nhỏ này nếu đi kèm với mục đích lớn trong trường hợp em biết em muốn gì thì sẽ tốt hơn. Còn nếu không cũng đừng khắt khe với bản thân, nhưng cũng đừng dễ dãi. Hãy lập từng mục tiêu nhỏ rồi trong quá trình thực hiện đó em may mắn em sẽ tìm ra điều mình thích. Nếu không em cũng đã có kha khá thành tựu để không phải tiếc nuối với thời gian.

Những điều chia sẻ trên đây là những lời chân tình của chị. Ngay cả bây giờ, chính chị đây cũng đang dò dẫm từng bước để cố gắng. Những hy vọng chia sẻ với các em, các em nhận ra sớm sẽ tiết kiệm thời gian và bước đi vững chắc hơn.

Bài cũng đã dài quá rồi, vẫn còn nhiều điều phải chia sẻ lắm như chuyện tham gia câu lạc bộ, đi làm thêm… Nếu em thực sự thấy những bài như thế này giúp ích được em ít nhiều, chị sẽ chia sẻ tiếp phần thứ hai.

Rất muốn lắng nghe chia sẻ, tâm sự của các em

Love!

Leave a Reply