Như có đề cập trong bài trước, bài này sẽ gồm các vấn đề chuẩn bị CV, phỏng vấn như thế nào, và điều hay được nhắc đến nhất khi đi thực tập là thực tập có nên yêu cầu được trả lương hay không.
1. Chuẩn bị CV đi phỏng vấn
Cái CV là cái đầu tiên cần chuẩn bị khi đi thực tập. Là sinh viên, rồi nhiều bạn còn sinh viên năm nhất thì có gì để ghi vào? Thật tình chị cũng chia sẻ luôn, chị cũng không phải là người có kinh nghiệm phỏng vấn quá nhiều nhưng mà tạm gọi là đi trước cũng đã từng đưa ra lựa chọn bạn này mà không lựa chọn bạn kia. Những chia sẻ dưới đây đều là quan điểm cá nhân của chị nha.
Các em có thể ghi thêm mục tiêu của mình ở đây. Mỗi người mỗi tính cách, lựa chọn khác nhau, với chị chị vẫn ưu tiên ngắn gọn đi thẳng vào mục tiêu của em là gì, em muốn đạt được gì. Lưu ý một tí là chỉ nên đặt mục tiêu ngắn hạn thôi. Lúc trước chị cũng bày đặt ham hố rồi thấy hướng dẫn ghi mục tiêu 3 năm mục tiêu 5 năm này nọ nhưng thực sự thấy lại nó không thực tế. Trong trường hợp các em biết chắc chắn thật rõ mình muốn gì và có lộ trình cụ thể cho từng năm thì tốt quá. Nhưng đa số các em vẫn chưa biết nên làm gì thì đừng chém, đừng viết những lời sáo rỗng người nhận CV đọc sẽ nhận ra và thấy buồn cười lắm. Một số gợi ý mục tiêu cho em như sau, cái này theo ý kiến chủ quan của chị, các em có thể tham khảo để có thêm ý tưởng:
Mục tiêu 3 tháng:
- Hoàn thành khóa thực tập 3 tháng tại ABC
- Hoàn thành khóa học chuyên môn XYZ (phù hợp với vị trí em ứng tuyển)
- Lấy bằng kỹ năng abc (có thể là một kỹ năng nào đó em thích)
- Thông thạo xyz (ví dụ, thông thạo Facebook Ads)
Mục tiêu 4 năm (nếu em học năm đầu)
- Tốt nghiệp điểm số/bằng loại giỏi/khá
- Có 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực gì đó
- Có bằng/chứng chỉ gì đó
Hoặc ở đây em cũng có thể thay bằng đoạn ngắn mô tả bản thân, mục tiêu của mình.
Tiếp đến em viết về kỹ năng của mình, kỹ năng gì nhớ phải chọn lọc cho phù hợp với vị trí em đang ứng tuyển.
Nếu chưa có kinh nghiệm nhiều thì em có thể thêm các kinh nghiệm lúc học cấp 3 các em có làm gì, hoặc đầu năm 1 em có tham gia hoạt động gì, đi làm thêm ở đâu. Cũng như có chia sẻ trong bài Chia sẻ của HR về một CV tốt, chị vẫn khuyến khích các em viết ngắn gọn và thống nhất. Đặc biệt các đầu mục kinh nghiệm hoặc liệt kê kinh nghiệm có tính định lượng thì sẽ tốt hơn. Ví dụ: Em tham gia làm CTV tổ chức hội trại quy mô 300 người.
- Em làm trường bộ phận biên tập hơn 30 bài báo tường trong hội trại 20/10
- Tổ chức sự kiện online – offline quy mô 200-300 người
- Làm sự kiện truyền thông, thu hút 300 lượt đăng ký online và 3000 lượt tương tác chẳng hạn
Nếu cảm thấy sự kiện của mình khó định lượng, em có thể thay thế bằng việc cụ thể mà em đã làm, em đóng vai trò gì.
Bố cục rõ ràng, bản thân chị thích đơn giản, không hoa lá cành.
2. Trả lời phỏng vấn như thế nào?
Một chuyện tiếp theo mà bạn muốn chị chia sẻ là phỏng vấn
Buồn cười nhất khi chị dạo vòng các bài về phỏng vấn, các bạn hay viết từ mẹo, với chị không có gì là mẹo cả. Đi phỏng vấn dù cả thực tập hay đi làm thì bản chất vẫn là cuộc trao đổi thời gian và công sức lấy tiền hoặc kinh nghiệm. Và một cuộc trao đổi thuận mua vừa bán thì cớ gì phải dùng mẹo?
Chị cũng có phỏng vấn tầm mười bạn hơn, con số khá khiêm tốn và cũng không phải là HR chuyên nghiệp, nhưng có gì chia sẻ nấy nhé.
- Chị không mong đợi nhiều vào kinh nghiệm chắc chắn vì tuyển thực tập sinh là đã lường trước điều này rồi.
- Chị sẽ xem CV trình bày gọn gàng rõ ràng, các kinh nghiệm, kỹ năng của các bạn như thế nào, có khả năng để đào tạo không?
- Trong buổi phỏng vấn chị hay hỏi bạn có biết vị trí này là làm gì không? Thường chị sẽ muốn các bạn tóm tắt được Mô tả công việc. Chị kỳ vọng/ấn tượng với những bạn có thể tóm tắt một cách rõ ràng, cụ thể, chuyển hóa bản mô tả công việc sang ngôn ngữ của các bạn (tức các bạn có đọc và có tìm hiểu/hình dung xem việc đó làm gì). Chị có thể hỏi một tí về các đầu mục xem các bạn có hiểu việc đó là làm gì hay không? Kế đến chị sẽ hỏi câu hỏi kinh điển là: Em có kinh nghiệm/kỹ năng gì mà em nghĩ phù hợp hoặc có thể làm tốt ở vị trí này? Sau đó thì tùy câu trả lời và hoàn cảnh mà phát triển thêm, nhưng chủ yếu đây vẫn là những câu hỏi mà chị thấy quan trọng, có thể khai thác được thông tin của bạn.
- Như vậy các bạn phải chuẩn bị những gì? Tất nhiên đọc và tìm hiểu Mô tả công việc. Tìm hiểu xem trước công việc đó là công việc gì, làm như thế nào. Ở đây chị muốn các em thay đổi tư duy, là việc tìm hiểu trước không phải là mẹo để em đậu phỏng vấn hay gì cả, mà là để em xem em có thích thú, có muốn làm hoặc có phải là việc em muốn học hay không. Kế đến là viết ra lý do em muốn làm ở đây, em muốn học gì, và kỹ năng/ kinh nghiệm nào của em phù hợp. Nếu em có đọc trước bài Nên đi thực tập từ năm mấy? thì em sẽ thấy đây thực ra là những gì em đã làm, nên không phải chuẩn bị quá nhiều, chỉ cần tập diễn đạt cho lưu loát, thuyết phục. Gợi ý nhỏ, em còn có thể tập luyện kỹ năng nói, kỹ năng thuyết trình bắt đầu với bài thuyết trình nhỏ nhỏ này đấy.
- Bản thân chị rất thích những bạn nói thật và khiêm tốn. Người ta nói hơn thua ở cái thái độ chắc đúng thật. Chị không nói thái độ của các em lồi lõm, mà chị nói có những bạn cho chị cảm giác cầu thị, thái độ biết lắng nghe và sẵn sàng học tập và không chê việc, không ngại khó. Yếu tố này chắc không biết làm sao để giúp các em chuẩn bị, chỉ là em tự mình suy nghĩ thông đạt rồi tự khắc điều chỉnh sẽ được. Nhớ đấy, luôn khiêm tốn, cầu thị và không chê việc.
Thực ra từ lúc ngồi ở vị trí phỏng vấn, chơi vơi HR rồi nghe kể nhiều chuyện bên lề về phỏng vấn, không chỉ cho sinh viên thực tập mà cả nhân viên chị nhận ra rằng ngoài việc CV tốt, phù hợp thì phỏng vấn thành bài đôi khi còn nằm ở cái duyên hoặc một số yếu tố ngoại cảnh tác động. Nên những bạn bị từ chối đừng buồn hay trách mình năng lực chưa đủ. Một cách tốt mà chị nghĩ có thể áp dụng là email bên tuyển dụng và hỏi rõ lý do tại sao mình chưa đạt một cách lịch sự và cầu thị. Lúc đó mình sẽ rút ra được nhiều bài học hơn và biết cách cải thiện hơn.
3. Đi thực tập có nên đòi lương hay không?
Đây là câu chuyện mà tranh cãi hoài không có hồi kết nè. Đa số chị thấy ở thị trường có những quan điểm như sau: đầu tiên các em còn là sinh viên không làm được gì đem ra giá trị cho công ty nên không trả lương. Công ty tốn thời gian và nhân sự để hướng dẫn các em đó là chi phí của công ty còn các em, các em nhận được nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn coi như đó là tiền công của các em. Thế nên các công ty có thể không trả lương. Và cũng vì vậy sinh viên đi thực tập thường cũng không đòi lương vì hai nguyên nhân. Thứ nhất các em còn non nớt, chưa biết mình làm được gì nên sẽ không dám đòi hỏi. Nó cũng như việc mua bán vậy đó, em có một giỏ trái cây em đoán già đoán non là chưa chín hẳn thì em có dám hét giá không (này là chị nói những em thật thà chất phát nha). Bên cạnh đó thì chuyện đi thực tập rõ ràng là vì kinh nghiệm rồi, không ai đi thực tập vì tiền nên có hay không với các em cũng không quan trọng.
Nói tới đây chị lại nhớ câu chuyện hồi chị đi thực tập vì học trái ngành nên thấy công ty “danh tiếng” tuyển thực tập nên cũng ráng bu bám theo đi. Ai dè công ty bom xịt. Công ty “danh tiếng” kêu tụi chị (nhóm 10 người) nộp vào mỗi người 5 triệu thì mới được thực tập 3 tháng tại đó. Nghe nực cười vậy mà có những nhóm 10 người đóng tiền làm theo, mà 10 người người nào cũng giỏi giang đến từ các trường lớn hết. Bài học chị rút ra lúc này là hãy nghe lời những người trong ngành và đừng cho lúc nào mình cũng đúng (tại lúc đó nhiều người can ngăn mà chị gạt đi, tại chị nghĩ chị đang quyết tâm với đam mê của mình kaka)
Rồi quay lại chuyện đi thực tập có nên đòi lương, có nên trả lương. Chị không có ý kiến gì với quan điểm ở trên. Tuy nhiên quan điểm của chị thì có khác một tí. Chị nghĩ, nếu nghĩ các em là vướng bận, là chi phí thì chắc chắn đã không tuyển các em vào. Và việc đề xuất tuyển sinh viên thực tập chắc chắn xuất phát từ việc công ty đang có số lượng công việc quá tải cần người hỗ trợ những phần việc phụ. Như vậy các em sinh viên vẫn có lao động, và tạo ra giá trị. Chính vì vậy lúc nào chị cũng đấu tranh, cương quyết phải trả tiền cho các em, vì chị nghĩ các em cũng đang làm việc như nhân viên bình thường, chỉ khác ở đặc thù công việc và mức độ quan trọng của công việc thôi. Ngoài ra chị cũng nghĩ, việc trả tiền cho các em một khoản dù không nhiều nhưng nó cho các em trải nghiệm làm việc và được trả công. Những đồng tiền đó sẽ nhắc nhở các em làm việc hết mình với thái độ chuyên nghiệp không kém cạnh gì nhân viên chính thức (vì em được trả tiền). Đây là quan điểm cá nhân của chị thôi, còn chị cũng không bài xích hay phản đối gì quan điểm ở trên.
Vậy khi đi phỏng vấn các em có nên đòi lương? Nói chữ đòi thì nghe nó đầy khiêu khích, chị sẽ dùng từ hỏi thăm về chính sách lương cho thực tập. Việc hỏi thăm một cách lịch sự thẳng thắn và tôn trọng thì lúc nào chẳng dược hoan nghênh nhỉ? Và em cũng chẳng mất gì. Em cứ hỏi: Chị ơi bên công ty mình có chính sách hỗ trợ cho sinh viên thực tập không chị? Lúc đó tùy công ty có chính sách riêng. Như chị nói đó, đây là cuộc thuận mua vừa bán. Nếu em thấy công ty cho em cơ hội học tập, môi trường thực hành tốt quá việc không lương cũng không sao thì cứ tiến đến. Nếu em cảm thấy không hay mức lương thấp khiến em không thoải mái thì đừng nhận, vì đi làm mà không thoải mái thì không hiệu quả.
Vậy em có nên deal lương? Chị chỉ liệt kê ra đây thôi chứ hiếm thấy ai đi thực tập mà deal lương. Vốn dĩ trợ cấp cho sinh viên thực tập rất ít, nó cũng được cất nhắc ra từ khoản kinh phí eo hẹp của công ty (ví dụ như không đủ tiền thuê junior nên kiếm thực tập vào train lần lên với mức chi phí rẻ hơn) nên chị không nghĩ việc deal lương có ý nghĩa lắm. Hơn nữa nó cũng không khiến em giàu lên vậy thì chị nghĩ là không nên deal (và deal cũng khả năng thành công thấp, nhiều khi deal không khéo lại gây cảm giác khó chịu cho người phỏng vấn)
Bài đã dài rồi, chị dừng ở đây. Hẹn các em trong bài tiếp theo nhé!
Chia sẻ với chị nếu bài viết này có ích với các em
Love!