Có cần làm việc vì đam mê_- Clever girls

Có nên đi làm vì đam mê?

Lúc mình chia sẻ về ý tưởng viết series này thì may quá được bạn bè đón nhận và ủng hộ. Bình thường mọi người sẽ chỉ đọc và nhìn nhận vấn đề thông qua quan điểm của mình. Hôm nay mình muốn giới thiệu quan điểm của một người trái ngược với mình hoàn toàn. Như câu nói rất trend “Chọn con tim hay nghe lý trí”, nếu mình luôn lựa chọn lý trí thì bạn này là lựa chọn của con tim. Có nên đi làm vì đam mê?

Trước khi mọi người đọc toàn bộ chia sẻ (không chỉnh sửa) của bạn, thì mình muốn tóm tắt sơ thông tin của bạn để mọi người có thể nắm được.

Bạn học Tài chính, tốt nghiệp loại giỏi, sau khi ra trường thì được công ty thực tập giữ lại làm luôn với mức lương khá ổn. Sau khi làm ở công ty kế toán tầm non một năm, bạn tham gia khóa học 1 tháng về Thiết kế rồi quyết định nghỉ việc kế toán để theo đuổi ngành thiết kế. Bạn dành tiếp 3 tuần làm portfolio (trang/file để giới thiệu các sản phẩm đã làm dành cho dân thiết kế, copy, content). Sau đó bạn tìm được việc ở vị trí Thiết kế và làm tới tận bây giờ.

Bạn từng chia sẻ như thế này:

“Mình không hề quyết định nóng vội. Ý nghĩ này không phải chỉ mới xuất hiện gần đây. Trước giờ, mình vẫn luôn thích làm những cái liên quan tới nghệ thuật – nói nghe có vẻ sang – mà chủ yếu là như thiết kế, vẽ vời, truyện tranh, hát múa, nhảy nhót – có khi là hơi mơ mộng. Còn ngồi trong văn phòng với giấy tờ nghĩ tới là thấy không ham. Cảm giác như một thời gian dài đã trôi qua, và mình đã lãng phí thời gian thay vì theo đuổi cái mà mình thích ngay từ đầu.”

Dưới đây là bài chia sẻ của bạn về chủ đề “Có cần đi làm vì đam mê?”

Chọn trường đại học và tốt nghiệp đại học chuẩn bị đi làm là 2 thời điểm mà có lẽ bạn băn khoăn nhất đam mê của mình là gì? Ngồi trên giảng đường đại học, bạn luôn biết rằng mình đã không chọn sai ngành, bạn thật may mắn. Nhưng nếu bạn cảm thấy chuyên ngành đang học không có chút thú vị nào và đây không phải đam mê của bạn, vậy bạn phải làm gì? Trường hợp cuối cùng là bạn chẳng băn khoăn gì cả, học gì làm gì cũng được miễn là có tiền, vậy thì bài viết này có lẽ không cần thiết cho bạn.

1. Đam mê là gì? Đam mê và sở thích khác gì nhau?

Cuộc sống là một chuỗi những sự lựa chọn. Đam mê cũng vậy. Chọn 1 trong các sở thích của bạn để học và làm việc chính là đã biến nó thành đam mê. Có rất nhiều cách để chọn được đam mê, một trong số đó là cứ làm thử đi. Bạn sẽ biết đó có phải là đam mê không khi bạn học mà không cảm thấy chán, khi bạn tạo ra được thành quả và thấy thỏa mãn vì thành quả có giá trị. Và quan trọng hơn hết bạn biết chắc bạn có thể kiếm được tiền.

2. Làm sao để được đi làm vì đam mê?

Thế giới của trường cấp 3 rất nhỏ, đại học lớn hơn và khi đi làm, nó lớn đến nỗi bạn có thể sẽ ngạc nhiên. Không thể biết được có bao nhiêu loại công việc trên đời này, và nếu biết hết bạn cũng khó lòng chọn được công việc tốt nhất, phù hợp nhất với mình giữa vạn vạn lựa chọn đó. Và chọn được cũng chưa chắc đúng. Vì vậy thay vì nhìn ra ngoài, hãy nhìn bên trong bạn trước.

Đầu tiên, bạn biết chắc là bạn thích gì và bạn giỏi làm gì? Tiếp theo, tìm một công việc có liên quan và đi làm. Lúc này đừng nghĩ đến tiền, hãy nghĩ là bạn đang đi chọn mua một món “công việc”, và bạn được làm “thử” công việc để xem nó có phù hợp với bạn không. Nhớ để ý đến mọi thứ, từ công ty, môi trường, đồng nghiệp đến cơ hội thăng tiến. Điều đáng mừng là bạn không phải trả tiền để được làm thử mà là ngược lại.

Nếu bạn không có đủ thời gian để làm một công việc đàng hoàng, lịch học quá bận, bài vở thì nhiều, hãy chọn một câu lạc bộ, đội, nhóm trong chính trường đại học, khoa của bạn. Đó cũng là một hình thức giản đơn của một công ty, có cấp bậc, có sếp, có đồng nghiệp, có deadline, có trách nhiệm, có cơ hội thăng tiến. Và vì đó không phải công ty, bạn có thể đề nghị được làm phần công việc mà bạn thích, hoặc đổi việc này việc kia để xem cái nào thú vị hơn với bạn. Một lợi ích nữa đó là bạn sẽ gầy dựng được rất nhiều mối quan hệ với các đàn anh đàn chị mà sau này sẽ rất có ích khi bạn xin thực tập và tìm việc làm.

3. Làm sao giữ được đam mê trong công việc?

Tìm được đam mê chưa chắc đó đã là “chân ái”. Chúng ta vẫn hay nghe ai đó nói “Nghề chọn người”, “dòng đời xô đẩy”. Thực ra tất cả đều là sự lựa chọn của bạn. Nếu đó không còn là đam mê, bạn sẽ từ bỏ. Có ý nghĩa gì khi đi làm không có đam mê?

Nhưng đừng quá vội vàng khi chưa cố gắng, và chưa hiểu rõ mình. Đôi lúc bạn sẽ cảm thấy chán nản và nghĩ rằng có thể đây không phải là đam mê thực sự. Khi đó hãy hỏi “Nếu không làm việc này nữa, thì mình sẽ làm gì và có cảm thấy hào hứng về công việc mới như lúc mới bắt đầu làm công việc hiện tại mà bạn muốn từ bỏ không?” Nếu không thì bạn biết rằng cảm giác đó chỉ là nhất thời. Đôi khi chán nản với công việc không phải vì bạn không còn thích nó nữa mà có thể là do nội dung công việc, sếp, đồng nghiệp, môi trường làm việc, hay cách thức vận hành của công ty. Vì vậy cần duy trì một sự cân bằng giữa công việc và đời sống duy trì năng lượng tích cực cho đam mê của bạn. Những việc bạn có thể làm là:

  • Nhìn lại con đường sự nghiệp của bạn để xem lúc nào là lúc bạn vui nhất khi đi làm.
  • Nhìn lại những thành quả mà bạn đã tạo ra và tự hỏi mình có muốn tiếp tục tạo ra những thành quả đó và thậm chí còn tốt hơn như thế không.
  • Đừng chỉ làm việc, hãy duy trì những sở thích khác và không ngại chi tiền cho chúng để có một sức khỏe tinh thần thật tốt. Bạn xứng đáng mà!
  • Đi học thêm. Một điều chắc chắn rằng bạn vẫn chưa là master trong công việc của mình, còn vô vàn điều phải học. Thế thì học đi, biết đâu bạn sẽ tìm lại được sự hào hứng và thú vị như lúc ban đầu.

Công việc và yêu đương giống nhau ở chỗ “lâu thì sẽ chán”. Vì vậy hãy luôn làm mới mình, làm mới công việc của bạn để duy trì được tình yêu với nó nhé!

Hoặc là duy trì tình yêu với “làm việc để kiếm tiền”, thế thì bạn sẽ trả lời được câu hỏi trong tiêu đề của bài viết này.

Mọi người nghĩ sao? Mọi người có đang làm việc vì đam mê? Chia sẻ cùng Clever Girls nha!

Love!

Leave a Reply