#73🙄45 tuổi không sợ thất nghiệp chỉ sợ không quản lý được tài chính!

Chào bạn!

Email hôm nay gửi ra vào Thứ Hai, muộn 3 ngày. Tuần vừa rồi mình bận với việc ở công ty, tiệc tùng, gặp mặt cuối năm, mãi không có thời gian để viết mail. Hôm nay (tối Chủ Nhật) mới thư thả ngồi viết mail chia sẻ cho mọi người.

Nhân dịp BTC về lại 105K và trong không khí tưng bừng ngày Trump nhậm chức, mình xin nhắc lại khóa học Crypto ngày 8/2/2025 của mình đã mở đăng ký. Bạn đăng ký sớm mình gửi trước tài liệu nghiên cứu trước ha.

Email hôm nay chia sẻ về cảm nhận một bộ phim mà rất nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội thời gian qua – Upstream (Ngược dòng cuộc đời)

Thú thật là xem xong phim này mình không quá đồng cảm với nhân vật, và cũng không có cùng cảm nhận với đại đa số các bài viết review/bình luận trên mạng (phải đến 99% các bài mình đọc) về sự chua xót, áp lực tuổi trung niên… Ngay từ đầu phim mình đã cau mày và khó đồng cảm với nhân vật vì sự hời hợt, thiếu kiến thức về tài chính cá nhân.

Dưới đây mình sẽ liệt kê một số lỗi tài chính cơ bản mà nhân vật này mắc phải:

(1) Không có Quỹ dự phòng khẩn cấp

Nhân vật chính – Cao Chí Lũy, 45 tuổi, làm việc 11 năm tại công ty IT với mức lương cao (đây là mình tự giả định dựa theo thông tin xây dựng nhân vật trong phim: mua căn hộ cao cấp, cho con đi học trường quốc tế, vợ không đi làm, nuôi bố mẹ già).

45 tuổi, gánh vác 4 miệng ăn mà không hề có một quỹ dự phòng để dẫn đến tình huống cần gấp tiền cho bố mổ không có. Điều này đẩy anh đến việc sau 3 tháng kiếm việc phải áp lực đi làm shipper chấp nhận bị khách hàng đối xử thiếu tôn trọng chỉ vì khoản tiền đủ để chi trả viện phí. Hoặc có thể anh có quỹ dự phòng khẩn cấp nhưng ở tình huống này đạo diễn cố tình để đẩy anh này làm giao hàng, nhẫn nhịn khi bị khách chửi. Nhưng như vậy lại khiến phim hơi khiêng cưỡng nên mình xem tới đây thấy lấn cấn, không đồng cảm với nhân vật được.

Với mình, trường hợp như nhân vật Cao Chí Lũy ở trên, quỹ dự phòng khẩn cấp cần đảm bảo ít nhất 12 tháng sinh hoạt phí.

(2) Chỉ có một nguồn thu nhập

Mình không rõ về mức lương của nhân vật chính là bao nhiêu nhưng chắc sẽ rất cao mới đủ để tự tin vừa không có Tiết kiệm, vừa mua nhà, vừa là nguồn thu nhập duy nhất. Theo như toàn bộ bộ phim, hai vợ chồng không có một khoản đầu tư nào ngoài việc tham gia vào P2P (cho vay ngang hàng) bị sụp đổ. Đã vậy, anh này và vợ lại còn đủ tự tin để vợ không đi làm chỉ ở nhà nội trợ, dù chị vợ vẫn đang trong độ tuổi lao động, con gái đã lớn và bố mẹ chồng vẫn còn khỏe mạnh (?). Mình nói ở đây không phải là phán xét lựa chọn của các gia đình, mình đang nhìn dưới góc độ quản lý tiền bạc trước tình hình tài chính thực tế của gia đình Cao Chí Lũy. Có thể thấy cả gia đình anh này đưa ra quyết định thiếu thực tế và để cảm xúc lấn lướt. Nhất là khi vợ chồng vẫn đang trong độ tuổi lao động tốt và tài chính gia đình chưa vững (nợ mua nhà, nuôi 2 người già và 1 trẻ em).

(3) Chỉ có một kênh đầu tư duy nhất

Toàn bộ bộ phim chỉ lướt qua một câu nói thể hiện việc đầu tư thất bại do nền tảng P2P bị vỡ. Còn lại không có một kênh đầu tư nào khác được nhắc đến. Và tương tự ý (1) mình đoán vì không có thì Cao Chí Lũy mới phải cấp tấp làm shipper đầy áp lực vì hết tiền. Còn nếu có thì thật phi lí khi giữ tiền đầu tư mà bản thân mình liều mạng hoặc bị đối xử thiếu tôn trọng mà vẫn chấp nhận.

(4) Mua nhà thiếu kế hoạch

Việc mua nhà trong phim này thể hiện được thúc đẩy bởi cảm xúc của người vợ muốn ở nhà to và thiếu tính toán về tài chính dẫn đến chuyện mới vừa nghỉ việc đã không có đủ tiền trả tiền lãi mua nhà. Vấn đề mua nhà mình đã chia sẻ rất nhiều đặc biệt thấy hoàn cảnh anh này một thân lao động chính còn gánh lãi mua nhà mà tính toán không kỹ càng, thì giận nhiều hơn là đồng cảm. Bạn có thể xem lại video về mua nhà hay thuê nhà của mình ở đây. 

(5) Đầu tư giáo dục cho con thiếu kế hoạch

Cô con gái muốn học trường quốc tế vì có bạn học trường đó, thế là cả nhà cũng chiều cho con vào trường quốc tế. Vậy nên mình mới nói chắc hẳn lương của anh Cao Chí Lũy này rất cao nên mới có thể chi tiêu không suy nghĩ như thế này. Mà nếu vậy thì đáng trách muôn phần vì lương cao, làm việc ở công ty 11 năm, mà tài chính chưa vững vàng. Mình trách nhiều hơn là đồng cảm. Và trách cả chị vợ – người ở nhà và dành thời gian quản lý chi tiêu tiền trong gia đình cũng như biết lương chồng nhưng không đưa ra đề xuất hợp phù hợp cho chồng.

Quay trở lại chuyện giáo dục cho con cái. Đây cũng là một khoản chi phí đáng cân nhắc như việc mua nhà chứ không chỉ đơn giản cho con bằng bạn bằng bè. Bạn có thể tham khảo cuốn Thịnh vượng tài chính tuổi 30 có phân tích rất kỹ phần này.

Sơ sơ mấy ý đó đã thấy việc quản lý tài chính của gia đình anh này hổng rất nhiều. Với mình việc anh này rơi vào tình huống khó khăn là do không biết quản lý tài chính, không lo tính toán tài chính trước chứ không nằm ở công ty, thách thức.

Nhắc đến công ty thì có một điểm mình cũng không thích ở bộ phim là xây dựng công ty như “người xấu”. Làm việc bao nhiêu năm nay, lớn tuổi thì bị loại bỏ. Đây là kiểu tâm lý bị hại mà mình rất ít khi đồng tình.

Thứ nhất làm công ăn lương là trao đổi dịch vụ, anh trao đổi kiến thức lấy tiền. Khi kiến thức của anh không bằng khoản tiền bỏ ra thì công ty có quyền ngưng hợp tác để đi trao đổi với một người khác có dịch vụ tốt hơn. Thử hỏi ở chiều ngược lại công ty không có lợi nhuận, không trả lương thì anh có chịu làm không công cho công ty không? Đây là mối quan hệ sòng phẳng.

Thứ hai, phân đoạn kể lể “tôi làm cho công ty 11 năm, thức khuya đến bệnh mà công ty đối xử như vậy?” Thực tế mình muốn đào sâu thêm một tí, trong 11 năm đó, chính sách đãi ngộ của công ty với anh như thế nào? Mình đoán là không tồi so với thị trường thì anh mới ở lại. Còn nếu tồi mà anh vẫn ở lại thì anh này lại phạm lỗi sai trong tài chính cá nhân là phải thường xuyên yêu cầu tăng lương (ít nhất 1 lần/năm) hoặc tìm nơi có mức lương cao hơn để tăng thu nhập. Tương tự, khi công ty yêu cầu làm thêm có lương Over time hay không? Nếu có thì đó là sự sòng phẳng công ty cho nhân viên. Nếu không thì tại sao anh không đòi hỏi? Hay tại sao anh vẫn chấp nhận. Nếu đó là yếu tố đặc thù công việc thì hoặc là đổi ngành hoặc là chập nhận. Đừng than vãn kể kể như người bị hại cho những lựa chọn mình chủ động chọn ở đây.

Xem phim này mình lấn cấn về việc sao một người 45 tuổi có học hành lại thờ ơ với tài chính của gia đình như vậy. Nên tiện đây gửi email này nếu bạn đã xem phim thì mình chia sẻ một góc nhìn mới đến bạn. Bạn chưa xem phim thì dựa vào những điểm mình chia sẻ ở trên có thể xem và rút ra những ý về tài chính cá nhân nha.

Và một lần nữa, toàn bộ email là quan điểm cá nhân của mình! Bạn có thể sẽ thích bộ phim đồng cảm bộ phim theo những góc nhìn khác nhau nha. Mình chỉ góp một góc nhìn đa dạng hơn cho bộ phim này thoi.

Tuần rồi có 3 video lên sóng, mọi người ghé xem nhe

Love!

💭My favorite quote

Nếu bạn không tìm ra cách kiếm tiền trong khi ngủ, bạn sẽ làm việc cho đến hết cả cuộc đời – Warren Buffet

Leave a Reply